Đặng Dương Bằng và Khoảnh khắc Thăng hoa
James Bulman -May
Phó giáo sư- Tiến sỹ Lịch sử nghệ thuật
Khoa Truyền thông và Văn hoá Đại học Copenhagen
Khoa Truyền thông đa văn hoá Đại học Aarhus (Đan Mạch)
Họa sĩ Đặng Dương Bằng là một người theo trường phái Phục Hưng hậu hiện đại lớn lên ở Hà Nội trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Ông bắt đầu công việc chuyên môn sau khi tốt nghiệp khoa hóa sinh trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội (1972). Sau này ông làm luận án Tiến Sĩ ngành Di truyền học Phân tử tại Leiden và hiện là Giáo sư ngành An toàn Thực phẩm tại Trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, Copenhagen. Tuy nhiên, giống như nhà thơ kiêm nhà miễn dịch học người Tiệp Khắc Miroslav Holub, Đặng Dương Bằng giỏi cả hai nghề, trên thực tế ông là một chuyên gia về công nghệ nano kiêm họa sĩ.
Động lực sáng tạo của Bằng đã tạo ra những bức tranh trong đó khắc họa vòng thời gian đan xen cả quá khứ lẫn hiện tại. Âm vang của các bậc thầy hội họa ẩn hiện trong các tác phẩm của ông như những giao thoa quen thuộc, phác họa một lãnh địa với các chỉ dấu đan xen. Phong cách của các danh họa Châu Âu thể hiện khá nhiều trong tranh của ông hòa cùng với phong cách của các họa sĩ như Nguyễn Tiến Chung, Phạm Viết Song, Nguyễn Đức Nùng, Vũ Dân Tân v.v theo các chuẩn mực cổ điển của Việt Nam và Đông Nam Á.
Các tác phẩm của Đặng Dương Bằng kể một chuyện tình bằng nhiều cung bậc cảm xúc, lấy cảm hứng chủ đạo từ truyền thống của Pháp và Đông Dương. Sự pha trộn này rất nổi tiếng trong văn học và phim ảnh, chẳng hạn như các cuốn tiểu thuyết (và sau này là phim) The Quiet American (1955) của Graham Green, cuốn The Year of Living Dangerously (1978) của Chris Koch, The Lover (1984) của Marguerite Duras, Rod Jones, Julia Paradise (1988), phim của Peter Greenaway dựa trên tiểu thuyết The Pillow Book (1996) của Sei Shonagun, vv là một vài ví dụ.
So với văn học và điện ảnh, sáng tạo kết hợp yếu tố Đông và Tây trong thế giới hội hoạ được biểu hiện âm thầm hơn, nhưng để lại không ít những tên tuổi xuất sắc toàn cầu. Không thể không nhắc đến Balthus, Walasse Ting và Chen Danquing - những hoạ sỹ đi đầu trong việc “chiết xuất và pha trộn” hai nền văn hóa Đông- Tây. Đặng Dương Bằng cũng là một đại diện của Việt Nam lồng ghép khéo léo các chuẩn mực Châu Âu trong những chất liệu Việt Nam truyền thống. Có thể thấy rất rõ trong tranh của Bằng những di sản văn hoá Pháp đối với nền mỹ thuật Đông Dương trên nền tảng những chất liệu truyền thống như sơn mài, mực nho trên giấy.
Có nền tảng vững chắc trong trường phái ấn tượng Pháp, nhưng các chủ đề và kỹ thuật vẽ của Bằng lại liên quan mật thiết tới sự ra đời của trường phái hiện đại. Tranh của Bằng tập trung vào góc nhìn hiện sinh với sự giải phóng toàn bộ tiềm năng của tâm hồn cho lạc thú và chiều sâu tinh thần. Với tư duy của một hoạ sỹ thích “pha trộn” không khác một nhà giả kim, sự mở rộng tâm trí trong việc sử dụng đa chất liệu là nguồn cảm hứng sáng tạo của Bằng. Ông khai thác di sản của hội hoạ ấn tượng, nhưng ghi dấu ấn cá nhân ở những sáng tạo về chất liệu rất riêng của mình. 2 chủ đề tranh để lại dấu ấn nhiều nhất của Bằng: nét đẹp vĩnh cửu của cơ thể phụ nữ và mô típ sinh thái của đầm sen.