Đặng Dương Bằng và Khoảnh khắc Thăng hoa (Phần 2)
James Bulman -May
Phó giáo sư- Tiến sỹ Lịch sử nghệ thuật
Khoa Truyền thông và Văn hoá Đại học Copenhagen
Khoa Truyền thông đa văn hoá Đại học Aarhus (Đan Mạch)
Phụ nữ trong tranh của Bằng: từ tử cung cho đến bản ngã thống nhất
Trong toàn bộ sáng tác (oeuvre) của Bằng, phụ nữ hiện lên như một sức mạnh hợp nhất, là nữ thần sinh sôi, chiều sâu tinh thần và nguồn cảm hứng bất tận. Nhắc đến những tác phẩm kinh điển mang lại cảm hứng về vẻ đẹp của phụ nữ, có thể kể đến “Venus at her Mirror” của Velazquez (1651), Maja của Goya (1799), bức họa mang tính đột phá “Le déjeuner sur l’herbe (1863) của Manet, và các bức tranh nữ khỏa thân truyền cảm của Modiglianni. Ta cũng nghĩ tới các tác phẩm chuẩn mực của Châu Âu đặc biệt là Matisse, Picasso và phổ rộng các biến thể trên chủ đề nữ khỏa thân trong tranh của Chagall. Khác với niềm đam mê đối với các cung phi Á Đông trong tranh của Mattise và Flaubert, Bằng có cách biểu đạt hoàn toàn ngược lại. Trong tranh của Bằng, sự nồng nhiệt cảm xúc của người Châu Âu lại được tiết chế bằng tình cảm sâu lắng của người Á Đông. Điều đó đã thay đổi cách nhìn phương Đông vốn được mặc nhiên công nhận bởi nhiều thế hệ họa sĩ châu Âu qua các tác phẩm từ Poussin, David đến Gauguin.
Thú vui tận hưởng cuộc sống cũng như sự tập trung vào những khoảnh khắc hiện tại trong những bận rộn hàng ngày đều thể hiện rõ qua các bức tranh của Bằng. Các yếu tố này nhắc khán giả các giá trị cốt lõi quan trọng: tình yêu, nét đẹp phồn thực sinh sôi, và cả sự giao động trong các tầng cảm xúc của cơ thể; muốn duy trì hạnh phúc mà không có sự an lạc bên trong thì tất cả chỉ là quá khứ. Chủ đề về sự trưởng thành của từng cá nhân được nhấn mạnh bằng các hóa thân năng động của thần Venus, Diana với thần tình yêu Eros tỏa sáng và trí tuệ chiến lược thấm đượm trong các sáng tác của Bằng. Những nữ thần của Bằng thường đi kèm với hoa và mèo, những sinh vật biểu đạt cho sự quyền quý với góc nhìn độc lập.
Giống như Balthus, Bằng bị quyến rũ bởi sự hướng nội và mèo, và cả hai đều cho rằng tính độc lập của mèo có liên quan đến bí ẩn nữ tính. Trong miền đất có sự giao thoa của Đông và Tây không thể tránh được di sản của Walasse Ting, nhưng cả hình thức và nội dung trong tranh của Bằng đều được biến tấu phong phú hơn, theo cách Balthus đã khám phá sau 1967, sau khi ông kết hôn với Setsuko Ideta người Nhật. Phong cách biểu đạt của Bằng còn được phát triển thông qua các bông hoa tung cánh cắm trong các bình hoa gợi nhớ các nét uốn lượn kiểu Hy lạp. Bằng đã hòa trộn những phong cách sớm nhất của nghệ thuật châu Âu với một góc nhìn hậu hiện đại Châu Á; một kỹ thuật ‘bricolage’ sáng tạo thủ công mang màu sắc giả kim, hợp hợp nhất quá khứ và hiện tại trong một thời khắc đa văn hóa. Các bình hoa rung lên như biểu tượng của tử cung, của sự hoài thai nhấn mạnh địa vị của phụ nữ trong vai nữ thần sinh sản có sức hút tựa nam châm mạnh mẽ, rồi trong nháy mắt sẽ trở thành các nguồn sống mới.
Vượt lên trên cả biểu tượng về sinh sôi phồn thực, Bằng mô tả phụ nữ như một nữ thần với tràn đầy cảm hứng. Như các lai tạo giữa các cung phi của Matisse và các bức chân dung vẽ nàng Bella yêu quý trên không của Chagall, người phụ nữ trong mơ của Bằng bay lơ lửng trên các mái nhà Hà Nội. Địa điểm này gợi nhớ đến sự mô tả của Chagall về Vitebsk, làng quê nước Nga của ông và các bức tranh của Van Gogh về những ngôi nhà của nông dân nghèo ở Hà Lan và miền Nam nước Pháp. Chủ đề phố Hà Nội trong tranh của Bằng với phụ nữ lướt trên không trung thêm một sự pha trộn mạnh mẽ giữa nét thơ mộng và hiện thực xã hội vào chất liệu làm nên các tác phẩm của ông.
Các hóa thân khác của phụ nữ trong tranh của Bằng cực kỳ đa dạng. Đó có thể là những người đẹp về đêm đi lại trong thành phố dưới ánh trăng xanh, đó là những mẫu khỏa thân rực rỡ hay những tà áo dài thướt tha. Rạng ngời với sự tỏa sáng từ bên trong, phụ nữ trong các bức hoạ của Bằng lấp lánh khiến ta muốn khám phá nguồn năng lượng đa khoái cảm của tâm hồn cũng như dòng diện sinh học trên làn da kia. Sự hòa quyện chốc lát các bản ngã của con người những qua trải nghiệm thăng hoa.
Hoa trong tranh của Bằng: Hoa Sen như vũ trụ thu nhỏ
Lấy cảm hứng chủ yếu từ sự phát triển của nghệ thuật Châu Âu từ khoảng 1875 đến 1940, nghệ thuật của Bằng còn tiếp thu các quan điểm từ trường phái lập thể. Điều này đặc biệt rõ trong các bức tranh của bộ sưu tập “Âm thanh Im lặng”, trong đó ông thể hiện những phác thảo sinh thái về một hồ sen với các thủ pháp đồ họa tạo thành ma trận của sự đồng hiện.
Nếu sáng tạo của Picasso và Braque ở trường phái lập thể là thể nghiệm diễn hoạ góc nhìn 360 độ trên không gian 2D của toan vẽ, thì Bằng lại tạo ra những biến tấu lập thể trên góc nhìn hiện thực của sự vật. Thay vì góc nhìn lập thể trong đó vật thể bị bẽ gãy, Bằng mô tả rõ và định vị các giai đoạn nở và tàn của hoa trên một đường cong. Ông phác thảo các lớp rõ rệt trong vòng đời của sen, cho phép khán giả suy ngẫm về các vòng đời sinh học, về thân phận và sự hiện hữu của quá khứ. Kỹ thuật và chủ đề ở đây đan xen chặt chẽ với nhau và tạo nên một quá trình suy ngẫm liên tục hòa với tiếng vo ve của lũ chuồn chuồn.
Lấy cảm hứng từ những gì đẹp nhất của nhiều thế giới, toàn bộ tác phẩm của Bằng ghi lại một quá trình học hỏi gian khổ dẫn tới sự phát triển của một phong cách cá nhân. Trong khi Monet phát triển mô típ về hoa súng, Nolde khai thác hoa thuốc phiện và bút pháp điểm họa của Van Gogh phát triển mô hình Fibonacci của hoa hướng dương, Bằng lấy hoa sen làm biểu tượng của mình. Các biến tấu trên chủ đề hoa sen có nhiều trong tác phẩm của ông, trong đó ông nâng niu truyền thống cổ điển của Phật giáo Châu Á qua cách tôn vinh loài hoa thiêng này.
Sự thanh khiết của biểu tượng hoa sen có trước cả Đạo Phật. Loài hoa này được ca ngợi trong Kinh Hoa sen của Phật giáo Đại Thừa, biên soạn trong khoảng từ năm 100 trước CN và 200 sau CN ở Ấn Độ. Từ Ấn độ, nó lan truyền mạnh mẽ và trở thành văn bản cơ sở của Phật giáo khắp nơi. Kinh Hoa Sen thể hiện mạnh mẽ tiềm năng vô hạn và phẩm giá vốn có trong đời sống mỗi người, trong đó dạy rằng ý chí quyết tâm của cá nhân có thể chuyển hóa tất thảy. Kinh Hoa sen khơi dậy niềm tin vào năng lực vốn có của con người về trí tuệ, sự dũng cảm và lòng từ bi. Kinh Hoa Sen được coi là hàm chứa tinh túy của giác ngộ nơi Đức Phật, mang lại cho người đọc chìa khóa để chuyển hóa khổ đau, giúp cá nhân cũng như toàn xã hội phát triển.
Trong một bức vẽ minh họa lâu đời trong một quyển Kinh Hoa Sen (1257), hoa sen tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của Đức Bồ Tát: ngập trong bùn nhưng cây sen vẫn vượt qua mọi khó khăn và đâm hoa trong không gian của sự giác ngộ. Các bông sen trong tranh của Bằng thể hiện cốt lõi của biểu tượng này và sự hiện hữu đậm chất thiền của nó mời gọi sự khám phá vẻ đẹp thực tại bên trong.
Bằng quay lại nhiều lần với chủ đề sen. Sự khám phá vòng tuần hoàn sinh thái của ông được thể hiện bằng các kỹ thuật nhiều lớp mô tả quá trình tự nhiên. Ám ảnh bởi tính vật chất của loài hoa dát vàng, tác phẩm của Bằng ghi lại mọi giai đoạn trong một vòng đời sen, bộc phát hoàn toàn trong bộ sưu tập “Thanh âm của Thinh lặng”. Trong các tác phẩm này ông tôn vinh loài hoa thiêng: những hạt mầm bé nhỏ và đám rễ kiên cường nảy nở trong bùn lầy u tối nuôi dưỡng những cành hoa tươi xanh, rồi cuối cùng ở đầu cành bung nở thành những đóa thơm tho.
Bao trùm quá khứ hiện tại và tương lai, hoa sen của Bằng sinh sôi nảy nở và thụ phấn trong các giai đoạn đâm hoa hoặc lụi tàn, rũ xuống hoặc quay cánh hoa về phía mặt trời. Một mảng tối sâu đôi khi xâm chiếm các bức họa của ông nhưng các lớp đất ở đây rõ ràng có sự thâm nhập của các vi khuẩn từ bùn tạo ra vẻ kỳ bí của sự quang hợp. Ánh sáng đôi lúc bị làm mờ bằng kỹ thuật sfumato tả hơi nước thoát ra từ sự biến đối hóa chất chậm chạp sâu trong bùn đen. Trong vùng sinh thái sôi động của miền khí hậu đóng kín dưới các tán lá có một hệ động vật năng động, phía trên mặt nước, phản xạ qua lớp cánh ánh kim của lũ chuồn chuồn.
Trong các bức tranh này, Bằng mô tả các biến thể về hoa sen từ lúc ủ mầm đến khi kết nụ sau đó đến lúc nở hoa rồi chuyển sang giai đoạn gieo vãi giống từ các đài sen hình nang mà cuối cùng phải tự mình mục nát một cách đau đớn và chậm rãi, biến thành chất nhớt nuôi dưỡng mầm sen mới. Chu kỳ luân hồi của sen cho thấy một cách đầy đủ sự khởi đầu và kết thúc của một quá trình sinh thái. Các đồ họa hoàn tất thể hiện một kỹ thuật pha trộn không cho thấy có điểm kết, cũng như không theo thứ tự gần xa, đông hoặc tây, trung tâm hoặc ngoại vi.
Thay vào đó, các bức tranh hoa sen trong bộ sưu tập “Thanh âm của Thinh lặng” tập trung vào những yếu tố vĩnh hằng tròn rồi khuyết cùng trăng và quang phổ hóa học. Đọng lại trong chuỗi xử lý mầu sắc nhấp nhô như sóng biển, các sáng tác của Bằng khiến góc nhìn hậu Phục Hưng chỉ còn là những kĩ thuật lừa mắt (trompe l’oeil). Mời gọi khán giả bỏ đi các chi tiết không quan trọng và tập trung vào lạc thú, thần tình yêu và vẻ đẹp tiềm ẩm thần tiên trong cuộc sống hàng ngày, các bức họa của Bằng dường như chắc chắn thúc giục khán giả lắng lại và nhìn nhận thực chất những mối lo âu của mình: chỉ là những thứ nhỏ nhặt so với sự vô tận của niềm vui và sự khao khát khám phá thiên nhiên, cho dù ta đang ở đâu.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây